Công nghệ gieo mạ khay được áp dụng tại Nhật Bản 90%, Hàn Quốc 60%, Trung Quốc 40%... nhưng đối với Việt Nam thì đang còn khiêm tốn.

Những năm trước, cây mạ được người dân sản xuất theo phương pháp làm mạ dược truyền thống. Tuy nhiên phương pháp này gặp nhiều hạn chế nhất là phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, mùa vụ, chế độ thủy lợi. Một vài phương pháp sản xuất mạ khác như mạ nổi, mạ khô, mạ sân…tuy nhiên các phương pháp này yêu cầu lớn về công lao động và nhiều yếu tố khách quan như che chắn, phòng chống sâu bệnh.Vì lẽ đó, tác giả đã nghiên cứu và tìm ra công thức chuẩn để sản xuất giá thể mạ và đưa ra quy trình sản xuất mạ khay và trên nền đất cứng ở quy mô công nghiệp.

Giá thể mạ khay được sản xuất từ rơm rạ và đất tại địa phương vì vậy đây có thể coi là một bước đột phá trong sản xuất mạ khay công nghiệp và mạ trên nền  đất cứng trong việc hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Thông qua công nghệ này chúng ta có thể ứng dụng được những chế phẩm sinh học cho quá trình sản xuất mạ thích hợp cho sự phát triển của mạ, đảm bảo được chất lượng mạ đưa ra ruộng cấy, chi phí giá thành rẻ và chi phí giảm 50% so với tự gieo mạ riêng.

Việc áp dụng công nghệ sản xuất mạ khay, máy cấy, giúp mật độ cây lúa đạt sự đồng đều hơn, khoảng cách hàng cố định 30cm; khoảng cách cây có teher điều chỉnh từ 12-21cm. Chính vì vậy tạo được độ đồng đều trong quần thể ruộng lúa; phát huy được hiệu ứng hàng biên sẽ tăng năng suất và chất lượng hạt lúa; ruộng thông thoáng, giảm sâu bệnh.