Phân lân: Vai trò, phân loại và cách sử dụng hiệu quả
Vai trò của phân lân
Phân Lân là một trong 3 nguyên tố đa lượng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Lân tham gia vào thành phần protein cấu tạo nên tế bào, vì vậy nó là chất không thể thiếu cho sự sống của cây trồng.
Cây trồng hấp thụ phân lân dưới dạng ion photphat (PO4)3-.
1/ Vai trò của phân Lân (P2O5) đối với cây trồng:
– Lân (P) tạo nên nhân tế bào nên rất cần cho sự hình thành bộ phận mới của cây, kiến tạo nên hoạt chất hình thành mầm hoa, đẻ nhánh, phân cành, ra hoa, đậu quả.
– Tham gia vào quá trình phát triển bộ rễ, quá trình quang hợp và hô hấp.
– Ảnh hưởng đến sự vận chuyển đường, bột tích lũy về hạt và các bộ phận của chất nguyên sinh làm cho cây chống được lạnh, chống được nóng đồng thời tăng khả năng chống chịu với các điều kiện bất thuận khác như hạn, úng, sâu bệnh.
– Lân là yếu tố chính quyết định sự ra hoa, đậu quả và quá trình chín của quả và hạt, giúp hoa, quả to, hạt thì chắc.
– Phân lân còn có tác dụng hạn chế tác hại của việc bón thừa đạm.
– Lân còn có tác dụng đệm, làm cho cây chịu được chua, kiềm.
Vai trò của Lân đối với 1 số cây trồng:
– Đối với cây táo: số hoa trên cành có tương quan tuyến tính đến hàm lượng lân trong lá .
– Đối với cây xoài: bón phân lân sớm ở thời kỳ trước khi trái phát triển có thể kích thích cho sự sinh trưởng trong mùa Xuân.
– Đối với cây lạc: Nhu cầu lân của cây khá lớn, Lân kích thích quá trình cộng sinh với vi khuẩn tạo ra nốt sần trên rễ, tăng cường khả năng hút đạm của cây, thúc đẩy ra hoa đậu trái. Lạc có nhu cầu dinh dưỡng lân nhiều nhất ở thời kỳ từ khi ra hoa đến sau khi hình thành quả.
– Đối với hoa và cây cảnh: Lân hình thành và vận chuyển các hợp chất hữu cơ trong cây hoa, kích thích bộ rễ của cây phát triển và tạo điều kiện để cây có thể đồng hóa các chất dinh dưỡng khác.
Bón đủ Lân cho cây trồng:
Giúp cây tăng trưởng, sinh trưởng tốt, cây ra nụ và hoa sớm, cho năng suất và chất lượng cao.
Bón thiếu Lân:
– Gây ảnh hưởng đến chất lượng hoa, quả, củ.
– Làm giảm khả năng tổng hợp chất bột, hoa khó nở; quả ít, chín chậm, quả thường có vỏ dày, xốp và dễ bị thối, nấm bệnh dễ tấn công,
– Cành lá sinh trưởng kém, lá rụng nhiều, rễ sinh trưởng chậm, cây thấp bé, lá ban đầu xanh đậm sau đó chuyển vàng và chuyển màu tím đỏ (bắt đầu từ các lá phía dưới trước, và từ mép lá vào trong).
– Quá trình tổng hợp protein bị ngưng trệ, lá bị nhỏ lại và bản lá bị hẹp và có xu hướng dựng đứng.
– Thiếu lân dẫn đến tích lũy đạm dạng Nirat gây trở ngại cho việc tổng hợp Protein.
– Thiếu lân, bộ rễ cây phát triển kém ảnh hưởng đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng, hạn chế quá trình quang hợp và hô hấp, ảnh hưởng đến quá trình đậu quả, giảm tính chống chịu ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng.
Bón thừa Lân:
– Thừa thì khó phát hiện, nhưng dễ kéo theo là cây thiếu kẽm và đồng.
– Bón nhiều phân lân thì sẽ ức chế cây sinh trưởng dẫn tới thừa sắc tố.
– Thừa Lân sẽ làm cho cây chính quá sớm, không kịp tích lũy được vụ mùa năng suất cao.
– Lân thuộc loại nguyên tố linh động, nên nó có khả năng vận chuyển từ cơ quan già sang cơ quan còn non và nhất là ở các bộ phận sinh trưởng.
2/ Phân loại Phân Lân:
Có hai loại phân Lân là: Lân tự nhiên (như Apatit, Phosphorit) và Lân chế tạo (như Super lân, Lân nung chảy) có thể dùng bón thúc. Hàm lượng lân trong phân được tính dưới dạng P2O5. (quy theo khối lượng).
Phân Lân tự nhiên (dùng để bón lót sớm vì nó khó tiêu):
2.1. Apatit (chứa 30 – 32% P2O5, Canxi và nhiều khoáng chất khác)
Được dùng để bón cho đất chua, đất phèn, đất úng trũng nghèo lân
2.2. Phosphorit (chứa 8 – 12% P2O5)
Phân khô rời, dạng bột; dùng cho đất chua, phèn, úng, trũng, rất thích hợp với các giống họ đậu. Chất lân trong lân tự nhiên thường nên bón lót sớm chính xác là vì nó khó tiêu).
Phân Lân chế tạo:
2.3. Super lân Ca(H2PO4)2
- Có 2 loại:
+ Super lân đơn chứa 17 – 18% P2O5
+ Super lân kép chứa 37 – 47% P2O5
– Super Lân có tính axit, không thích hợp cho đất chua. Nếu bón trên đất chua phèn nên bón phối hợp với vôi và các loại phân lân khác (như lân nung chảy).
– Super lân ở dạng dễ tiêu, dễ tan trong đất, cây trồng hấp thu được, hiệu quả nhanh, thích hợp với nhiều loại cây.
– Bón Super Lân giúp bổ sung Canxi cho cây Ca2+ cho cây trồng
– Dùng bón thúc cho cây trồng
– Super lân dùng ủ với phân chuồng rất tốt.
2.4. Lân nung chảy (18 – 20% P2O5, 28 – 30% Ca, 17 – 20% Mg, 24 – 30% Si, ngoài ra còn chứa vi lượng sắt, đồng, molipden, mangan, coban)
– Lân nung chảy có dạng bột màu xanh xám.
– Lân nung chảy có tính kiềm, thích hợp cho đất chua
– Lân nung chảy ít tan trong nước, chỉ tan trong axit nhẹ, nên có tác dụng chậm nhưng lâu dài
– Sử dụng thích hợp cho đất phèn, đất bạc màu.
– Bổ sung cả Ca2+ và Mg2+ cho cây trồng
– Lân nung chảy sử dụng thích hợp cho đất phèn ở ĐBSCL, đất đồi núi Đông Nam Bộ và miền Trung, đất bạc màu. Đất càng chua phèn hiệu quả phân lân nung chảy càng cao.
Ngoài các loại phân lân phổ biến trên, còn có phân Magiê amon phosphate chứa 30 – 45% P2O5 + 6 – 9% N + 10 – 15% Mg, là loại phân phức hợp có hiệu quả cao.
3/ Cách bón phân Lân cho cây trồng đạt hiệu quả
- Phân lân chủ yếu dùng bón lót, phân dễ tiêu như Super lân có thể dùng bón thúc.
- Tùy loại đất chua ít hay nhiều mà chọn loại phân lân thích hợp.
+ Super Lân được sản xuất chủ yếu theo 2 cách (dùng axit sunphuric đặc để khử quặng nên lân này có PH từ 4 – 4,5 gây chua đất. Nên không thích hợp bón cho đất chua, thích hợp bón cho đất hơi chua hoặc trung tính. Nếu bón trên đất chua phèn nên bón phối hợp với vôi và các loại phân lân khác (như lân nung chảy).
+ Lân nung chảy có tính kiềm (PH = 8 – 8,5) vì quặng được nung chảy ở nhiệt độ cao thành lân. Nên thích hợp bón cho đất phèn, đất bạc màu.
Do đó cần kiểm tra để biết đất ruộng là chua, trung tính hay kiềm mà chọn lân nào cho thích hợp.
- Bón quá nhiều lân có thể làm cho cây bị thiếu một số nguyên tố vi lượng nên thường bón phân lân kết hợp với bón bổ sung các nguyên tố vi lượng thiết yếu.
– Bón phân lân nên kết hợp với phân chuồng. Tốt nhất super lân nên ủ cùng phân chuồng sẽ làm tăng hiệu suất của lân, hạn chế sự cố định của đất.